Khám phá Chùa Trình – Danh thắng Yên Tử Quảng Ninh

Khám phá chùa Trình - Cửa ngõ non thiêng Yên Tử

Khởi đầu hành trình hành hương về non thiêng Yên Tử, du khách hẳn sẽ rất ấn tượng với chùa Trình – ngôi chùa cửa ngõ của Yên Tử. Chùa Trình – Yên Tử được xây dựng kỳ công với kiến trúc độc đáo, cũng là địa danh đầu tiên trong danh thắng Yên Tử. Hãy cùng Quảng Ninh 360 khám phá ngôi chùa linh thiêng trong quần thể di tích Yên Tử nhé!

Đôi nét về Chùa Trình

Chùa Trình ở đâu?

Chùa Trình hay còn được biết đến với tên là chùa Bí Thượng. Sở dĩ có tên gọi này bởi chùa tọa lạc trên sườn đồi của làng Bí Thượng thuộc Tổng Bí Giàng, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Nay là Khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi đầu tiên mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt chân, sau một chuyến đi dài xuôi thuyền tìm đến vùng núi thiêng. Từ đó đến nay, chùa Trình đã trở thành ngôi chùa cửa ngõ, là nơi bắt đầu cho chuyến hành trình tìm về non thiêng Yên Tử.

Lịch sử hình thành chùa Trình Yên Tử

Theo lịch sử ghi chép lại, chùa Trình được xây dựng vào thời Hậu Lê, mặt tiền của chùa hướng phía Tây Nam. Mô hình kiến trúc thiết kế theo hình chữ Nhất (Hán tự) với diện tích gần 20m2.

Chùa Trình được xây dựng vào thời Hậu Lê với diện tích gần 20m2
Chùa Trình được xây dựng vào thời Hậu Lê với diện tích gần 20m2

 

Theo tín ngưỡng dân gian “Đi trình, về tạ” do đó mà chùa Trình cũng là điểm tham quan đầu tiên khi đến với khu di tích Yên Tử. Ngôi chùa là điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình trở về với vùng đất Tổ Thiền Trúc Lâm.

Có một truyền thuyết được lưu truyền rằng trong thời kỳ Đại Việt đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 3, chùa Trình đã từng được sử dụng như địa điểm mai phục, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng vào năm 1288. Chiến thắng này đã đuổi hết giặc ngoại xâm ra khỏi Đại Việt ta thời bấy giờ.

Vào năm 1299, khi đức vua Trần Nhân Tông tìm về núi Yên Tử để tu hành thì nơi đây cũng là nơi đầu tiên mà đức vua đặt chân lên miền đất Bí Thượng. Khi ấy vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng một ngôi đình nhỏ để trở thành nơi nghỉ chân, dẫn lối cho những Phật tử cùng người dân tứ phương khi bắt đầu chuyến hành trình vào Yên Tử. Từ ngôi đình tạm đó, sau này đã được xây thành chùa và chính thức lấy tên là chùa Bí Thượng.

Từ ngôi đình tạm mà vua Trần Nhân Tông cho dựng, sau này đã được xây thành chùa và lấy tên là chùa Bí Thượng
Từ ngôi đình tạm mà vua Trần Nhân Tông cho dựng, sau này đã được xây thành chùa và lấy tên là chùa Bí Thượng

Ngôi chùa này, trong thời kỳ Pháp thuộc đã bị thiêu cháy. Tuy đã được xây dựng lại nhưng sau khi bị thực dân Pháp phá hủy thì chỉ trơ lại phần nền móng hoang phế và 3 tháp gạch được xây dựng từ thời Trần. Sau này, một Phật tử họ Bùi đã phát tâm công đức để dựng lại chùa với quy mô đơn giản và nhỏ hơn để thờ tượng Phật và Tứ Phủ.

Năm 2006, dựa vào những ghi chép và giá trị lịch sử mà công trình mang lại, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã cho trùng tu và xây dựng lại chùa Trình trên nền móng của chùa cũ với lối kiến trúc xây dựng giống thời Trần.

Năm 2011, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm đã công đức xây dựng lại cổng chùa Trình bề thế, khang trang hơn với những đường nét, hoa văn cổ kính, tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm của chùa Trình và khu vực cửa ngõ vào non thiêng Yên Tử.

Cổng chùa Trình bề thế, khang trang với những đường nét, hoa văn cổ kính
Cổng chùa Trình bề thế, khang trang với những đường nét, hoa văn cổ kính

Cho đến nay, trải qua nhiều lần bị phá hủy, xây dựng và trùng tu lại, chùa Bí Thượng xưa đã trở thành ngôi chùa Trình của cả hệ thống chùa tháp Yên Tử. Phía Đông của chùa là trụ sở chính của Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh. Đây cũng là nơi diễn ra các khóa lễ cúng Phật, lớp “An cư kết hạ” và các khóa tu mùa hè, giảng pháp cho Phật tử.

>>> Xem thêm: Phố đi bộ Tiên Yên Quảng Ninh có gì hấp dẫn khách du lịch?

Hướng dẫn di chuyển đến chùa Trình

Chùa Trình tọa lạc trên sườn đồi thuộc làng Bí Thượng, khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Để di chuyển đến đây, du khách có thể đi bằng xe khách, ô tô hoặc xe máy dọc theo tuyến quốc lộ 18, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng hoặc đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Chùa Trình nằm ngay trên sườn đồi ở làng Bí Thượng
Chùa Trình nằm ngay trên sườn đồi ở làng Bí Thượng

Tham quan lối kiến trúc độc đáo và linh thiêng của chùa Trình

Khi tham quan Chùa Trình, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo và linh thiêng. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” với tiền đường, chính điện thờ Phật, Tả vu, Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, có nhà thờ Tổ, thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Ban Trần triều, thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Tam Vương theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của dân ta. Toàn bộ các pho tượng trong chùa được đúc bằng đồng hoặc tạc bằng gỗ mít, gỗ hương.

Mái của chùa được lợp theo kiểu ngói mũi hài. Phần bờ nóc khu vực tiền đường được trang trí bằng gạch hoa chanh, ở chính giữa là bức Đại tự ghi ba chữ Hán “Bí Thượng Tự” (Chùa Bí Thượng) được đắp nổi. Hai đầu nóc đỉnh mái chùa được trang trí bằng hình đầu rồng nổi ngậm bờ nóc, có sóng nước vân mây. Đầu rồng uốn cong sóng nước ở các góc mái, vân mây được thiết kế theo hướng vút lên.

Các góc mái có đầu Rồng uốn cong hình sóng nước, vân mây vút lên
Các góc mái có đầu Rồng uốn cong hình sóng nước, vân mây vút lên

>>> Xem thêm: Chợ đêm Hạ Long – Thỏa sức mua sắm, thưởng thức đặc sản

Các địa điểm tham quan du lịch khác gần Chùa Trình

  • Di tích Yên Tử (TP Uông Bí)
  • Cụm di tích danh thắng Núi Bài Thơ (TP Hạ Long)
  • Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)
  • Chùa Cái Bầu (Vân Đồn)

Trên đây là những chia sẻ của Quảng Ninh 360 về chùa Trình (chùa Bí Thượng). Cho đến ngày nay, kiến trúc của chùa Trình – Yên Tử vẫn được gìn giữ trọn vẹn, nơi đây trở thành cửa ngõ linh thiêng khi du khách khám phá đỉnh thiêng Yên Tử, cũng là nơi người ta gửi gắm hy vọng vào đất trời, vào hành trình hành hương của mình tới chốt huyền không. Chùa Trình cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua trong tour du lịch Yên Tử, khám phá ngay bạn nhé!