Chùa Hồ Thiên là một quần thể chùa tháp rất lớn, tọa lạc trên sườn núi Phật Sơn thuộc dãy núi Yên Tử thuộc địa phận xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tương truyền rằng, toàn bộ khu vực chùa đã trở thành rừng rậm nhưng vẫn còn sót lại nhiều bức tường gạch, tháp gạch, tượng đá và bia đá có khắc chữ Nho,… vẫn được gìn giữ đến ngày nay.
Đôi nét về chùa Hồ Thiên – Đông Triều
Chùa Hồ Thiên (Hán tự là Trù Phong Tự) được xây dựng từ thời triều Trần. Vào năm 2006, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) đã công nhận Hồ Thiên là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo quyết định số 55/2006/QĐ-BVHTT.
Chùa được xây dựng ở lưng chừng phía nam của núi Phật Sơn, du khách đến tham quan sẽ dễ dàng nhận thấy được phía sau và hai bên chùa đều có núi bao quanh, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa, theo phong thủy thì đây là “tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án”.

Sau khi Đệ Nhị Tổ Pháp Loa (Tổ sư thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) kế tục sự nghiệp của Đệ Nhất Tổ, ông đã cho xây dựng chùa Hồ Thiên. Ngôi chùa này là một trong những di tích cùng thời gắn liền với hàng loạt vết tích khác từ thời nhà Trần như chùa Yên Tử, chùa Ngoạ Vân và chùa Quỳnh Lâm.
Tương truyền tên gọi Hồ Thiên bắt nguồn từ một truyền thuyết nói rằng: trên đỉnh núi có hồ nước (hồ trên trời), hàng năm có đôi hạc trắng thường xuyên bay về với câu ca: “Hoa sen lúc nở lúc tàn, đôi chim hạc trắng thanh nhàn tiêu dao”. Trên thực tế, không có hồ nước nào cả, chữ “Hồ” ở đây mang hàm ý là hội tụ và chữ “Thiên” là trời. Hồ Thiên ở đây là nhằm chỉ cảnh vật cõi tiên nhằm ca ngợi cảnh đẹp nơi chùa Hồ Thiên được xây dựng.

>>> Xem thêm: Khám phá Chùa Trình – Danh thắng Yên Tử Quảng Ninh
Lịch sử hình thành chùa Hồ Thiên
Theo ghi chép, chùa Hồ Thiên – Đông Triều được xây dựng dưới thời nhà Trần, sau khi vua Trần Nhân Tông (bấy giờ đã xuất gia) có dịp đến đây dạo chơi. Theo các thông tin được lưu trữ trong Tam tổ thực lục, trên văn bia chùa Quỳnh Lâm và đặc biệt là bia tháp Viên Thông đã khẳng định, chính Pháp Loa là người đã cho xây dựng am Hồ Thiên. Các vết tích hiện nay còn lại của Hồ Thiên triều Trần đều được tìm thấy chủ yếu ở dưới lòng đất, bao gồm gạch, ngói, cấu kiện tháp…
Trong quá trình khai quật di tích, những di vật thu được như sử liệu hay tòa tháp đất nung có mặt bằng hình lục giác hoặc bát giác… đều chỉ ra rằng chùa Hồ Thiên – Đông Triều được xây dựng dưới triều đại nhà Trần. Các kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng ngoài chùa, vườn tháp và nhà bia thì chùa Hồ Thiên còn có khu tịnh thất lớn được xây dựng trên núi cao phía sau chùa, cao nhất chính là am Hàm Long.

Ở thời đại nhà Trần, các vị cao tăng sau khi hoàn thành xuất sắc các khóa học ở Quỳnh Lâm viện sẽ chuyển đến Hồ Thiên để tiếp tục quá trình tu học, mỗi mái đá ở chùa sẽ là nơi tu học của một vị cao tăng. Các dấu tích còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu là các công trình có từ thời Lê Trung Hưng, và hầu hết các vết tích mà ta thấy ở trên mặt đất đều được xây dựng và tiến hành trùng tu dưới thời Vĩnh Hựu (thời vua Lê Ý Tông). Các công trình, kiến trúc được xây mới trong lần đại trùng tu này bao gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Hướng dẫn di chuyển
Chùa Hồ Thiên được xây dựng ở trên núi Trù Phong thuộc dãy Yên Tử, nằm xen giữa Long Động (tức là chùa Lân) và Ngọa Vân, phía trước là chùa Quỳnh Lâm, chùa nằm ở độ cao từ 500m – 800m so với mực nước biển. Ba mặt Bắc – Đông – Tây của chùa đều được bao bọc bởi những ngọn núi cao, phía Nam là những dãy đồi thấp nhấp nhô. Nhờ đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sông Cầm uốn lượn phía trước, tạo nên cảnh sắc thật thơ mộng và kỳ vĩ.
Các công trình, kiến trúc tại chùa Hồ Thiên
Khu chùa chính
Được xây dựng trên khu đất bằng với độ cao 580m so với mực nước biển. Riêng diện tích mặt bằng của khu chùa chính đã hơn 700m2. Chùa gồm 3 ngôi chính: Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện được nối liền với nhau theo kiểu kiến trúc hình chữ Công (工).
Khu nhà Tiền Đường nằm ở phía trước trên khu đất hình chữ nhật, với kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, gian giữa rộng 4,4m, các gian hai bên rộng 3,9m; nhà thiêu hương nằm giữa Tiền Đường và Thượng Điện với diện tích rộng 147m2, đây là nơi các nhà sư ngồi tụng kinh, làm lễ cúng Phật; nhà Thượng Điện được xây dựa trực tiếp vào sườn núi đá với mặt bằng rộng 202,5m2 có kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột.

Khu vườn tháp
Cho đến nay khu vực sườn núi cao (phía bắc) ở đằng sau chùa Hồ Thiên – Đông Triều vẫn còn dấu vết của 6 ngôi tháp, trong đó có 1 tháp tương đối nguyên vẹn, 1 tháp bị đổ mới được dựng lại, số còn lại đều bị sụp đổ. Trong đó 2 ngôi tháp đá mang vết tích từ triều đại nhà Trần là tháp số 1 và tháp số 6.
Tổng cộng có 4 tháp kết cấu gạch đá, được đánh dấu từ tháp số 2 đến tháp số 5. Tất cả các tháp này đều có phần đế và bệ làm bằng đá, còn phần thân và đỉnh tháp đều được xây bằng gạch, chủ yếu là gạch hình chữ nhật.
Khu nhà tăng
Đây là nơi các nhà sư và Phật tử sống, sinh hoạt và tu tập. Khu vực này có diện tích khoảng 400m2, nằm ở phía Đông của chùa, sở hữu địa hình tương đối bằng phẳng, mặt trước hướng về phía Nam, lưng tựa vào sườn núi phía Bắc. Khu nhà tăng có nền thấp hơn nền chùa khoảng 1,5m.

Khu nhà tổ của chùa Hồ Thiên – Đông Triều
Nằm ở phía Bắc của khu nhà tăng, cao hơn nhà tăng khoảng 6m và tiếp giáp với khu vườn tháp phía Đông. Nơi đây sở hữu khuôn viên rộng khoảng 180m2, với phần còn lại của mặt bằng công trình hình chữ nhật, diện tích khoảng 130m2. Ngoài những kiến trúc còn sót lại, các chuyên gia cũng phát hiện nhiều loại ngói mũi hài có niên đại từ thời Lê Trung Hưng. Ngói mũi hài (hay còn gọi là ngói mũi sen), mũi thấp, 2 cánh mũi rộng, không móc gài, nguyên liệu chính là đất sét thường sau đem đi nung, thành phẩm có màu nâu đỏ.
Tại đây, người ta cũng khai quật được hai pho tượng bằng đá nguyên khối, gồm phần thân chính và phần bệ của pho tượng. Cụ thể, pho tượng thứ nhất được tạc trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, mặc áo cà sa với phần vạt áo trước ngực cài khuy nơ – đặc trưng của phái Trúc Lâm, tay trái cầm tràng hạt và hai bàn tay úp vào nhau, giữa ngực có chữ Vạn. Hiện bức tượng này đã mất đầu và đài sen, với kích thước hiện tại là cao 32cm, ngang vai 23cm, ngang gối 34cm.

Pho tượng thứ hai được tạc trong tư thế thiền định, hai tay đan vào nhau và lòng bàn tay hướng lên trên. Bức tượng này không còn phần đầu và bên tay trái, ngực bị hư hại một mảng. Dựa vào hoa văn trang phục và tư thế ngồi thiền, có thể nhận ra hai pho tượng này là một trong ba bức tượng của ba vị tổ phái Thiền tông Trúc Lâm. Cụ thể, pho tượng thứ hai là chân dung của vị đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Từ các yếu tố như địa thế, đặc điểm di tích và các pho tượng khai quật được, có thể xác định đây chính là khu nhà tổ, nơi thờ tam tổ của Thiền tông Trúc Lâm (Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).
Khu nhà bia
Nằm cách khu trung tâm khoảng 150m về phía Đông, đây là khu vực chùa chính và là nơi sinh hoạt của chùa Hồ Thiên từ năm 2005 – 2010. Khu nhà bia xây dựng bằng đá xanh, được ghép từ 6 phiến đá, mỗi phiến cao 1,97m, rộng 0,55m. Đặc biệt ở mặt sau của mỗi phiến đá đều chạm nổi một chữ Phạn trong khung chữ thập, đây là thần chú Mật tông, tên là “Chú lục tự đại minh”, phiên âm là OM MANI PADME HUM.
Sự xuất hiện của câu thần chú Mật tông trong nhà bia cũng như đài sen khắc bát quái và 28 ngôi sao đã cho thấy yếu tố giao thoa, sự hòa hợp giữa tam giáo (Phật, Đạo và Nho giáo) ở thế kỷ 18 và tính nhập thế tích cực của Thiền phái Trúc Lâm.
>>> Xem thêm: Phố đi bộ Tiên Yên Quảng Ninh có gì hấp dẫn khách du lịch?
Khu Tịnh thất
Khu Tịnh thất là nơi các nhà sư ngồi thiền, trong đó Hồ Thiên tịnh thất được dành riêng cho các vị cao tăng luyện thiền. Khu vực này tọa lạc trên ngọn núi phía sau chùa, cho đến nay đã tìm thấy 3 am, trong đó am Hàm Long nằm ở vị trí cao nhất và có diện tích rộng nhất.

Ngoài ra còn có hai gian phòng nhỏ mái lợp đá, dưới mái hiên có phiến đá hình chữ nhật để ngồi thiền. Hiện nay, trụ trì chùa Hồ Thiên – Đông Triều cũng sử dụng một trong hai mái đá này làm nơi tu tập của mình.
Những địa điểm du lịch khác gần khu vực chùa Hồ Thiên
- Di tích Yên Tử (TP Uông Bí)
- Cụm di tích danh thắng Núi Bài Thơ (TP Hạ Long)
- Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)
- Chùa Cái Bầu (Vân Đồn)
Có thể thấy rằng chùa Hồ Thiên từng là trung tâm lớn của Thiền tông Trúc Lâm và là quần thể kiến trúc chùa tháp lớn một thời. Bên cạnh chùa Yên Tử vốn đã quá quen thuộc tại Quảng Ninh, du khách có thể ghé nơi đây tham quan một lần để cảm nhận được hết vẻ đẹp cũng như ảnh hưởng văn hóa, kiến trúc nhà Trần còn lưu lại. Mong rằng với những chia sẻ trên của Quảng Ninh 360 sẽ giúp quý khách có một trải nghiệm đáng nhớ tại chùa.